Bí quyết phòng bệnh cho bé khi thời tiết giao mùa cho trẻ nhỏ

Thứ ba - 15/11/2016 23:26
Tiết trời thay đổi, trẻ em luôn là đối tượng nhạy cảm và dễ chịu ảnh hưởng nhất vì hệ miễn dịch còn non yếu.

 

Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Những triệu chứng báo hiệu cơ thể có thể bị tác động của thời tiết như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt sống; Ho khan hoặc ho  khò khè.; Cảm giác ớn lạnh, rùng mình, ở trẻ nhỏ da lạnh hoặc nổi bông , có thể là triệu chứng trẻ sắp sốt cao;  Buồn nôn hay tiêu lỏng 

Chúng tôi mách các mẹ một số cách để phòng các bệnh khi giao mùa như sau:

 

1. Đau họng:

 
Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, thường xuyên và dễ gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, khi mắc bệnh trẻ thường bị sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn.

Triệu chứng:

Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đưa đi khám ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu bị sốt. Bé khoảng 3-6 tháng tuổi, sốt đến khoảng 38,3 độ C là nghiêm trọng. Bé trên 6 tháng tuổi sốt ở mức 39 độ C thì cần cảnh báo.

Nếu bé bị đau cả ở khoang miệng, bạn nên đưa đi kiểm tra. Đưa đi khám nếu bé dưới 3 tháng tuổi sốt đến 38 độ C hoặc hơn. Cũng nên đưa bé đi khám sớm nếu cổ họng có dấu hiệu bất thường như sưng (tấy) đỏ; nghi ngờ bé nuốt phải dị vật (bé không thể mở to miệng vì đau); hơi thở trở nên khó nhọc; kém bú (ăn) và quấy khóc liên tục.

Chữa trị:

Trường hợp đau họng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc; nếu không dùng thuốc, hệ miễn dịch của bé sẽ tự “chiến đấu” với virús gây bệnh và chiến thắng chúng trong vòng vài ngày đến một tuần.

Trong khoảng thời gian này, bé cần được nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.

Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh cho bé. Tùy từng loại bệnh, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc cụ thể. Cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cho con vì nếu tự ngưng thuốc giữa chừng, vi khuẩn có khả năng tấn công trở lại và khiến họng của bé bị đau trầm trọng hơn.

Phòng bệnh:

Vi khuẩn và virus có thể là thủ phạm gây đau họng cho bé. Bạn nên vệ sinh bàn tay của bé thường xuyên (vì các bé có thói quen mút tay – mầm bệnh sẽ theo đó vào khoang miệng).

Có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng bé nhưng không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp, nhiệt độ duy trì từ 24-26oC và thường xuyên vệ sinh điều hòa để  tránh nhiễm bẩn.

Mặc quần áo cho bé vừa phải không quá dầy khi thờ tiết không lạnh, bé dễ ra mồ hôi; Lượng mồ hôi này không được thoát ra bên ngoài, dễ hấp thu ngược lại cơ thể bé nên càng khiến bé có khả năng bị viêm họng.

Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột; Đưa bé từ môi trường nóng sang môi trường lạnh một cách đột ngột có thể khiến bé bị đau họng. Do đó, trước khi đưa bé từ trong phòng có điều hòa nhiệt độ ra bên ngoài, bạn nên chuyển bé sang một phòng khác có quạt mát khoảng 10-15 phút; cuối cùng, bạn mới nên đưa bé ra ngoài trời.

Không tắm sau khi bé vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi. Nếu tắm ngay sau khi bé ra nhiều mồ hôi thì trẻ dễ bị viêm họng hoặc mắc chứng cảm lạnh, do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.

Nên lưu ý đến việc sử dụng bàn chải và cách vệ sinh răng, miệng cho bé. Những loại vi khuẩn cư trú trên bề mặt bàn chải có khả năng gây các chứng bệnh trong khoang miệng của bé. Trước mỗi lần đánh răng, bạn nên nhúng bàn chải của bé vào một cốc nước ấm, có pha muối nhạt. Cách này cũng giúp loại bỏ phần nào vi khuẩn gây bệnh có trong bàn chải. Sau khi bé đánh răng, bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm, pha nhạt.

Hạn chế cho bé dùng đá lạnh, ăn kem hoặc uống nước lạnh. Đây được coi là một trong những món ăn khoái khẩu của các bé. Các loại nước uống và đồ ăn lạnh nếu được dùng thường xuyên sẽ gây chứng viêm họng cho bé.

Những tác nhân từ môi trường xung quanh như khói thuốc lá, khói than tổ ong, bụi bẩn, lông chó (mèo), phấn hoa… cũng khiến tình trạng viêm họng của bé trầm trọng hơn.

 

2. Viêm phế quản


Sự thay đổi thời tiết đột ngột lúc giao mùa cũng dễ khiến trẻ bị viêm phế quản. Nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều,do dị ứng với phấn hoa, hít phải các chất kích thích như khói thuốc, sợi bông hoặc len…

Triệu chứng:

Biểu hiện của bệnh là trẻ gặp khó khăn khi thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều và xuất hiện đờm. Khi thấy đờm của trẻ có màu vàng trắng tức là trẻ đã bị nhiễm trùng thứ cấp. Lúc này, người lớn không nên khiến trẻ cáu kỉnh vì khi đó trẻ sẽ hét to, việc hô hấp sẽ gặp khó khăn.  

Chăm sóc/ Phòng bệnh:

Đối với những trẻ bị viêm phế quản,việc chăm sóc trẻ nên có những lưu ý sau:

Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm.

Chú ý chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều nước và rau tươi. Trẻ bị viêm phế quản thường tiêu hóa kém nên cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, vì thế, khi nấu thức ăn cho trẻ, người lớn nên chia thành nhiều bữa nhỏ và nấu dạng lỏng để trẻ tiêu hóa dễ dàng hơn.

Nếu trong quá trình điều trị mà trẻ xuất hiện nhiều đờm,người lớn nên khuyên trẻ nhổ ra ngoài chứ không được nuốt. Nên để trẻ nằm nghiêng để dễ thở và cũng thuận lợi cho quá trình đào thải các chất nhầy trong cơ thể.

Người lớn nên chú ý, tuyệt đối không nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá 38,5 độ. Khi con sốt cao, hãy kịp thời hạ sốt, lấy nước mát để làm dịu cơ thể và cho trẻ mặc đồ thoáng.

Để trẻ nằm phòng thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.

Đặc biệt, khi trong nhà có trẻ bị viêm phế quản thì người lớn tuyệt đối không được hút thuốc vì điều này gây bất lợi cho quá trình điều trị bệnh.

 
phong-benh-luc-giao-mua-cho-be-webphunu.net
Khi cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Ảnh minh hoạ

 

3. Cảm/cúm:


Cảm do vi rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do vi rút. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh.Trẻ nhỏ rất dễ bị lây bệnh này khi thay đổi thời tiết, nóng chuyển sang lạnh.

Triệu chứng:

Khi cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi…nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp.

Chữa trị:

Không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Với trẻ lớn nên cho trẻ nghỉ học vài ngày.

Hiện đã có vắc xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.

Phòng tránh:

Trang phục của trẻ cần được thay đổi phù hợp với thời tiết.

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể thao để có cơ hội hít thở không khí trong lành, tăng cường trao đổi chất.

Giữ không khí trong nhà luôn thoáng mát, không ẩm mốc.

Đối với trẻ những tháng đầu đời thì hãy cho con bú sữa mẹ. Trẻ bắt đầu ăn dặm được thì nên bổ sung nhiều rau, hoa quả và cho trẻ ăn chín.

Chú ý tới giấc ngủ của trẻ. Hãy đảm bảo trẻ ngủ trong môi trường thoáng gió và thoải mái.

 

4. Viêm mũi dị ứng ở bé


Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa thế này bé dễ bị viêm mũi dị ứng, đặc biệt những bé có cơ địa mẫn cảm.

Triệu chứng:

Bé ngứa mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có bé bị nghẹt mũi. Nặng hơn, bé bị khó thở, ù tai.

Biến chứng:

Viêm mũi dị ứng có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.

Phòng tránh/Chăm sóc:

Mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo trong nhà.

Mẹ nên giặt giũ thường xuyên chăn, ga, gối cho bé. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc.

Không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá.

Dạy bé cách đánh răng ngày 2 lần là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy.

Giữ ấm cho bé khi trời lạnh và không để bé bị nóng quá lúc trời ấm lên.

 
phong-benh-luc-giao-mua-cho-be-webphunu.net
Trẻ đau tai khóc nhiều kèm theo sốt, cảm lạnh, đau đầu, sưng cổ nên cho đi khám ngay. Ảnh minh hoạ

 

5. Viêm tai giữa:

 
Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là một trong những bệnh rất thường gặp ở bên trong tai trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi với nhiều hậu quả xấu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.

Triệu chứng:

Khi bị sốt trên 39 độ C, trẻ thường bị kèm theo các bệnh về tai.  Bởi vậy, khi trẻ bú người ta thường thấy chúng khóc là do đau tai. Ngoài ra chứng viêm nhiễm này còn làm cho trẻ gặp khó khăn khi ngủ. Trẻ đau tai khóc nhiều kèm theo sốt, cảm lạnh, đau đầu, sưng cổ nên đi khám ngay.

Dịch trong tai giữa đọng nhiều, thúc ép lên màng nhĩ gây đau tai. Do đó, trẻ lớn có thể kêu tai, còn trẻ nhỏ thì có thể kéo giật tai mạnh, hoặc có biểu hiện khó chịu và khóc nhiều hơn bình thường.

Một số triệu chứng khác của dạng viêm tai giữa cấp là sốt, buồn nôn, nôn, hoa mắt và chóng mặt.

Bệnh viêm tai liên quan chặt chẽ với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì thế, nó cũng có thể kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.

Phòng bệnh:

Ngoài một số yếu tố không thể thay đổi như tiền sử gia đình hoặc thường xuyên bị viêm tai, có thể phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách:

- Nuôi con bằng sữa mẹ tối thiểu 6 tháng. Việc này giúp ngăn ngừa sự phát triển các đợt viêm tai từ sớm. Nếu trẻ bú bình, hãy giữ cho trẻ ở một góc nghiêng vừa phải thay vì cho trẻ bú nằm.

- Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá, nếu không nó sẽ làm tăng số lần và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

- Giảm tiếp xúc với nhiều trẻ khác, nhằm ngăn ngừa các bệnh viêm đường hô hấp trên - nguyên nhân gây viêm tai thường xuyên.

- Rửa tay sạch, cả trẻ và cha mẹ cần thực hiện việc này. Đây là một trong những cách quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ truyền bệnh.

- Cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, vì một số loại văcxin có thể giúp ngăn ngừa viêm tai.

Chú ý là các thuốc cảm lạnh và dị ứng như nhóm kháng histamines và chống dị ứng không thể phòng bệnh viêm tai.

 

6. Bệnh sởi


Là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông- xuân.

Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.

Diễn biến:

- Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ này trẻ có thể sẽ bị sốt nhẹ.

- Thời kỳ khởi phát: Đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,5oC đến 40oC, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp. Ngoài ra, còn có triệu chứng chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, bệnh nhân sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, hắt hơi, sổ mũi, ho đàm, khàn giọng. Có thể gây viêm thanh quản co rút, nếu có triệu chứng viêm long ở đường tiêu hóa sẽ gây tiêu chảy.

- Thời kỳ phát ban: Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa.

- Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.

Chăm sóc:

- Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm.

- Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.

- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…

-  Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.

- Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 -8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.

- Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.

- Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để theo dõi và điều trị

Phòng bệnh:

Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.

Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.

 
phong-benh-luc-giao-mua-cho-be-webphunu.net
Thuỷ đậu có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi...Ảnh minh hoạ

7. Bệnh thủy đậu:


Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Khi dịch lỏng có chứa vi rút thủy đậu do người bệnh ho phát tán trong không khí thì chỉ cần bạn ho 1 tiếng có thể hít phải hàng chục con vi rút này.

Triệu chứng:

Thủy đậu thường không có triệu chứng ban đầu đặc hiệu. Những ngày mới mắc, trẻ có thể mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và ngứa. Sau đó, trên da trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một vài ngày sau, các nốt ban này phát triển thành các nốt phỏng có dịch trong và nhanh chóng lan ra toàn thân.

Triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 đến 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.

Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi... Những trẻ đang bị bệnh, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc dùng corticoid kéo dài, trẻ nhỏ dưới 6 tháng... dễ diễn biến bệnh nặng và biến chứng.

Chăm sóc:

Với bệnh này, chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại chỗ. Cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước và vitamin nhóm C, nhóm B.

Nhiều phụ huynh sai lầm khi kiêng tắm cho con bị thủy đậu. Nên vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, có thể tắm nước sạch nhưng cần tránh chà sát da làm vỡ mụn nước. Nếu kiêng nước hoàn toàn, da bẩn có thể gây bội nhiễm.

Nên bôi các vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ như Xanh methylene hoặc mỡ Acyclovir... Nếu trẻ sốt cao, có thể cho dùng thuốc hạ sốt. Cần cho bé ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, mềm...

Trẻ bị bệnh cần cách ly và sử dụng các vật dụng cá nhân riêng, để tránh lây lan cho người khác. Nên vệ sinh mũi họng hàng ngày cho con bằng nước muối sinh lý. Khi thấy bé có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, lơ mơ, co giật... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

8. Bệnh ban đỏ:


Hầu hết trẻ mắc bệnh này trước khi học mẫu giáo, nhưng cũng có những trẻ gặp phải khi học tiểu học.

Triệu chứng:

Biểu hiện rõ ràng nhất là trên má trẻ bất ngờ xuất hiện những vệt đỏ như kiểu bị ai tát. Vệt ban đỏ này xuất hiện rồi biến mất trong hàng tuần.

Chữa trị:

Bệnh do lây nhiễm vi rút vì thế không thể làm được gì ngoài việc điều trị những triệu chứng. Con bạn có thể truyền bệnh khi mẩn đỏ chưa xuất hiện còn khi đã có biểu hiện thì không lây sang người khác nữa.

 
phong-benh-luc-giao-mua-cho-be-webphunu.net
Theo một số nghiên cứu, bé bú mẹ ít bị chàm và bệnh dị ứng hơn bé bú bình. Ảnh minh hoạ

 

9. Chàm


Chàm thường có ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra thân mình - tứ chi… ở bé. Ban đầu, chàm có dạng hồng ban; sau đó có mụn nước (đỏ, nứt da, rịn nước), đóng mày và tróc vảy.

Triệu chứng:

Chàm thường biến mất sau 2–4 tuổi. Nếu quá 4 tuổi mà bé vẫn bị chàm thì từ chàm sữa tiến triển thành chàm thể tạng. Để phòng bệnh chàm cho con khi thời tiết nồm sang xuân, các chuyên gia khuyên nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Theo một số nghiên cứu, bé bú mẹ ít bị chàm và bệnh dị ứng hơn bé bú bình.

Khi bé bị chàm mẹ cần lưu ý:

- Không dùng kháng sinh liều cao tùy tiện để điều trị chàm có thể làm bé bị shock phản vệ.
- Không để bé bị mồ hôi ẩm ướt khiến chàm nặng thêm.
- Không cho bé ăn đồ ăn dị ứng (lạc, hải sản…) khiến chàm dễ tái phát.
- Không dùng các loại xà phòng tắm làm khô da bé, khiến bé bị chàm nặng thêm.

Với bệnh chàm, thời tiết càng lạnh càng xuất hiện nhiều và tái phát, gây ngứa, trẻ hay quấy khóc và gãi chảy máu, rất dễ nhiễm khuẩn. Bệnh mề đay gây ngứa dữ dội, trẻ quấy khóc nhiều, đôi khi gây tiêu chảy do mề đay xuất hiện ở niêm mạc ruột gây kích thích tăng nhu động ruột.

Phòng bệnh:

Có một số bằng chứng cho thấy, các chế phẩm sinh học (như sữa chua, vitamin bổ sung) dùng trong thời kỳ mang thai làm giảm phát triển chàm ở bé.

Đồng thời cũng chưa có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy, tránh một số loại thức ăn nhất định (trong thai kỳ hoặc thời gian nuôi con bằng sữa mẹ) có tác dụng phòng tránh chàm. Nhưng bạn nên hỏi bác sĩ nếu trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, bạn ăn một số loại đồ ăn và chúng gây ra phản ứng cho bé. Không nên thay đổi chế độ ăn uống của bạn, trừ khi có lời khuyên từ bác sĩ.

Một số bé bị chàm eczema có thể do dị ứng với sữa bò. Nhưng nếu muốn loại bỏ sữa bò (hoặc sữa công thức có gốc sữa bò) từ chế độ dinh dưỡng của bé thì bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước đã. Nếu con bạn dị ứng sữa gốc sữa bò, bác sĩ có thể tư vấn để đổi sang sữa công thức gốc đậu nành hoặc sữa công thức gốc sữa dê.

Một số bác sĩ tin rằng, các con bọ ve và bụi bẩn trong nhà có thể khiến một số bé mắc chàm. Bạn nên lau chùi nhà cửa bằng cách dùng giẻ ẩm, chứ không phải giẻ khô để lau bụi. Nên hút bụi đệm cho bé mỗi tuần một lần. Nên giặt ga trải giường bằng nước nóng.

Nên cho bé sơ sinh dùng quần áo bằng chất cotton, hạn chế trang phục bằng len hay sợi tổng hợp.

Không để bé bị nóng quá. Vì thế, giữ cho quần áo và giường ngủ của bé được thoáng và có nhiều lớp, giúp bạn có thể dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ cho bé khi cần.

Cắt móng tay cho bé để ngăn ngừa kích thích da, giúp da không bị trầy xước khi bé gãi.

 

10. Bệnh tiêu chảy


Thời tiết này, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy có thể là tiêu chảy thường và cũng có thể là tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do Rotavirus.
 
Bệnh tiêu chảy do Rotavirus chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại tiêu chảy mùa lạnh ở trẻ em. Bệnh tiêu chảy do Rotavirus có thể gặp quanh năm nhưng thường gặp nhất vẫn là mùa đông - xuân. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dễ gây thành dịch.

Triệu chứng:

Ban đầu, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng cảm lạnh và thêm vài dấu hiệu của sự nhiễm trùng đường hô hấp, biểu hiện qua việc trẻ bị sổ mũi, sốt. Thậm chí ở một số trẻ khác còn xuất hiện nôn mửa đi kèm với đau bụng.

Sau từ 12 - 24 giờ, trẻ sẽ đi ngoài liên tục, có thể lên đến hàng chục lần mỗi ngày và phân có mùi tanh. Khi thấy con có những triệu chứng đó, người lớn không nên lo lắng mà vội vàng cho trẻ dùng ngay kháng sinh vì sẽ không mấy có hiệu quả, thậm chí còn gây rối loạn đường ruột khiến bệnh trầm trọng hơn.

Chăm sóc:

Đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và có chỉ định điều trị thích hợp, không được tự ý cho trẻ uống thuốc cầm, sẽ rất nguy hiểm.

Thông thường, trẻ tiêu chảy dù là nguyên nhân gì cũng cần được bù nước và chất điện giải tại gia đình bằng cách cho trẻ uống dung dịch orezol. Việc pha dung dịch orezol cũng cần tuân thủ đúng quy cách, nếu không, mặc dù trẻ được uống orezol nhưng không có tác dụng bù nước và chất điện giải.

Tuyệt đối không chia nhỏ gói orezol ra để pha, bởi vì trong mỗi một gói orezol người ta đã cân đủ số lượng muối cần thiết để đưa vào cơ thể, nếu chia nhỏ thì mỗi một phần orezol được pha sẽ không đủ các chất muối cần bù cho trẻ.

Ngoài ra, khi cho trẻ dùng thức ăn thì chỉ cho ăn với liều lượng ít một để cơ thể bé không bị mệt mỏi.
 
Phòng bệnh:

Sự lây lan của virus Rota thường thông qua đường miệng,quá trình hô hấp. Vì vậy,người lớn cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm, khử trùng dụng cụ nấu ăn trước khi nấu nướng. Thực phẩm cần đặt nơi sạch sẽ thoáng mát. Đặc biệt, không để con tiếp xúc với những trẻ đang mắc bệnh.

Các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn đủ về lượng và chất cũng như ăn các loại quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, xoài... Tuyệt đối tránh quan niệm ăn kiêng khi trẻ bị tiêu chảy hay mắc bệnh về đường hô hấp bởi khi mắc bệnh trẻ rất cần được bổ sung dinh dưỡng để mau phục hồi sức khỏe.

phong-benh-luc-giao-mua-cho-be-webphunu.net
Nên thường xuyên cho bé được tắm nắng, hít thở không khí trong lành, tham gia các hoạt động về thể dục thể thao để tăng cường độ dẻo dai, khoẻ mạnh để tăng sức đề kháng. Ảnh minh hoạ


 

11. Đau mắt đỏ


Theo các chuyên gia ở Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống dịch bệnh Mỹ thì đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc. Đây là căn bệnh nhiễm trùng màng mỏng trong suốt bao bọc phần trắng của nhãn cầu. Khi bị viêm các mạch máu ở phần trắng thay đổi chuyển thành màu hồng hay đỏ.

Triệu chứng:

Thủ phạm gây bệnh mắt đỏ là do nhiễm khuẩn, virus hoặc phản ứng dị ứng. Triệu chứng thường thấy như đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, mờ mắt và sưng tấy. Thường lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.

Chăm sóc:

Bệnh đau mắt đỏ thường được điều trị bằng thuốc kháng histamin, viêm kết mạc do khuẩn đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong thời gian chờ đợi điều trị, nên chườm khăn nóng để làm dịu kích ứng, đồng thời hạn chế tối đa va chạm vào mắt.

Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do vi rút thì bệnh sẽ tự khỏi.

Phòng bệnh:

Để giảm bệnh nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ngày, giữ vệ sinh quần áo, chăn màn..., tránh tiếp xúc tay - mắt, không nên dùng các chất trang điểm. Nếu trẻ mắc bệnh thì nên đưa đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị theo phác đồ quy định./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thực đơn thứ hai

* Mẫu giáo

 Sáng:
- Cơm gạo bắc hương
Trứng gà đúc thịt bò
- Canh: Thịt lợn nấu chua
- Xào: Bắp cải
- Quả chín: Dưa hấu

Chiều:

- Xôi vừng dừa - Xôi gấc

- Sữa bột: Mega Milky Grow IQ

* Nhà trẻ

Sáng:
- Cơm gạo bắc hương
Trứng gà đúc thịt bò
- Canh: Thịt lợn nấu chua
- Xào: Bắp cải
- Quả chín: Dưa hấu

Chiều:

- Cơm gạo tẻ: Bắc hương
- Thức ăn mặn: Thịt gà rim

- Canh: Gà nấu bí xanh
- Sữa bột: Mega Milky Grow IQ

 

  • Img 9336 1
    Img 9336 1
  • Img 9311 1
    Img 9311 1
  • Img 9307 1
    Img 9307 1
  • Img 9285 1
    Img 9285 1
  • Img 9280 1
    Img 9280 1

Ảnh mới

kids

ban

Điện thoại

  • Trường Mầm Non Yết Kiêu
    0902.070.582

Thăm dò dư luận

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay1,595
  • Tháng hiện tại114,503
  • Tổng lượt truy cập12,546,291
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây